Vì sao Ford Ranger thống lĩnh phân khúc xe bán tải tại Việt Nam?

Mạnh dạn thoát khỏi “vỏ bọc” của chiếc xe thuần sử dụng trong vận chuyển, hướng đến phong cách “bán tải du lịch”, cùng lúc đáp ứng nhiều tiêu chí đã giúp Ford Ranger trở thành lựa chọn của số đông khách Việt.

Tham chiến thị trường Việt Nam từ năm 2001, khi nhiều đối thủ đến từ Nhật gần như làm chủ cuộc chơi ở phân khúc xe bán tải nhưng Ford Ranger nhanh chóng chứng minh sức hút và “vụt sáng” trở thành mẫu bán tải thống lĩnh phân khúc này với doanh số vượt trội.

Vì sao Ford Ranger thống lĩnh phân khúc xe bán tải tại Việt Nam? - ảnh 1

“Sinh sau đẻ muộn” so với nhiều mẫu bán tải Nhật nhưng Ford Ranger nhanh chóng cho thấy sức hút với nhiều năm liền thống lĩnh phân khúc

Theo nhiều chuyên gia ô tô, việc Ranger chiếm lĩnh thị phần và áp đảo các đối thủ cũng không phải không có cơ sở. Bởi, bên cạnh chiến lược, chất lượng xe Mỹ với định hướng Ranger từ xe vận chuyển đơn thuần, trở thành xe bán tải du lịch với phong cách thiết kế thể thao, vận hành mạnh mẽ và trang bị nhiều tiện nghi, chính là yếu tố quyết định giúp mẫu bán tải này bứt phá và lấy lòng được số đông khách Việt.

Khó có thể phủ nhận một thực tế rằng, Ranger là chiếc bán tải “đi trước” các đối thủ khi sở hữu kiểu dáng phá cách, năng động không thua kém xe đô thị. Dễ nhận thấy nhất là những hình khối vuông vức, thô kệch của dòng xe bán tải nói chung, gần như được hãng xe Mỹ loại bỏ hoàn toàn. Thay vào đó, Ranger thiết kế các chi tiết bo tròn tăng vẻ thời trang. Nổi bật với lưới tản nhiệt to bản, cứng cáp đậm chất Mỹ. Hệ thống đèn pha LED tích hợp đèn chiếu sáng ban ngày sắc sảo, hệ thống mâm xe to bản, thể thao.

Vì sao Ford Ranger thống lĩnh phân khúc xe bán tải tại Việt Nam? - ảnh 2

Ford Ranger sở hữu thiết kế năng động, thể thao, phù hợp với số đông khách Việt

Trong khi đó, không gian cabin trên Ranger cũng được thiết kế hiện đại với nhiều trang bị công nghệ, tiện ích, không thua kém nhiều so với dòng sedan hay SUV. Đây là điểm cộng lớn giúp bán tải đến từ Mỹ nhanh chóng chinh phục thị trường Việt, nơi mà phần lớn người tiêu dùng thích “chơi bán tải”, sử dụng xe hàng ngày đi phố thị, đến công sở hoặc du lịch dã ngoại, hơn là phục vụ nhu cầu vận chuyển đơn thuần.

Ở thế hệ mới nhất, Ranger tiếp tục dẫn đầu phân khúc với hàng loạt trang bị. Có thể kể đến như ghế lái chỉnh điện 8 hướng, hệ thống giải trí trang bị màn hình cảm ứng 8 inch. Hệ điều hành SYNC 3 thế hệ mới có nhiều chức năng điều khiển như xe hạng sang. Rất nhiều cổng kết nối ngoại vi như USB, Bluetooth, Apple CarPlay, Android Auto, cùng hệ thống âm thanh 6 loa.

Đáng chú ý nhất, Ranger là xe bán tải đầu tiên được trang bị tính năng hỗ trợ nâng cửa hậu thùng xe, giúp cho việc chất dỡ hàng hóa nhẹ nhàng.

Vì sao Ford Ranger thống lĩnh phân khúc xe bán tải tại Việt Nam? - ảnh 3

Dù là xe bán tải nhưng Ford Ranger vẫn sở hữu hàng loạt công nghệ, tiện ích không thua kém xe SUV đô thị

Ngoài ra, Ranger cũng sở hữu hàng loạt tính năng an toàn chủ động như hệ thống kiểm soát tốc độ tự động, hỗ trợ duy trì làn đường, phanh chủ động khẩn cấp (AEB), trợ lực lái điện tử (EPAS), cân bằng điện tử, công nghệ hỗ trợ người lái giúp xe giảm thiểu va chạm và luôn đi đúng làn đường, công nghệ “bù lệch hướng” tự điều chỉnh góc/lực vô lăng, hỗ trợ đổ đèo, khởi hành ngang dốc, kiểm soát chống trượt, hỗ trợ phanh khẩn cấp.

Bên cạnh đó, bán tải đến từ Mỹ cũng được trang bị nhiều tiện nghi, tính năng hỗ trợ lái như camera lùi, hệ thống cảm biến quanh xe, tính năng hỗ trợ đỗ xe chủ động “Active Park Assist” giúp xe có thể tự động tìm và đỗ xe, cùng hai tính năng duy nhất xuất hiện trong phân khúc xe bán tải tại Việt Nam, gồm kiểm soát theo tải trọng và kiểm soát chống lật xe.

Không chỉ được “mã bề ngoài”, Ranger dường như cũng chinh phục được khách Việt nhờ khả năng vận hành mạnh mẽ và đa dạng tùy chọn. Ở thế hệ mới nhất, Ranger có 3 phiên bản động cơ gồm động cơ dầu Bi-Turbo 2.0L cho công suất 213 mã lực tại 3.750 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 500 Nm tại 1.750 – 2.000 vòng/phút. Sức mạnh này được người dùng đánh giá mạnh mẽ nhất phân khúc.

Vì sao Ford Ranger thống lĩnh phân khúc xe bán tải tại Việt Nam? - ảnh 4

Bên cạnh sức mạnh vận hành mạnh mẽ, Ranger cũng có nhiều tùy chọn động cơ

Ngoài ra, còn có thêm 2 tùy chọn động cơ khác, gồm động cơ Turbo 2.0L đơn, sản sinh công suất 178 mã lực và mô-men xoắn 420 Nm và động cơ 2.2L TDCi 4 xi-lanh có công suất 158 mã lực và mô-men xoắn 385 Nm, phục vụ việc chuyên chở. Cả 3 bản động cơ này đều kết hợp với hộp số tự động 10 cấp giúp xe vận hành mượt mà hơn.

Cùng với sức mạnh vận hành, Ranger có khả năng lội nước sâu lên đến 800 mm. Xe cũng được trang bị 3 chế độ dẫn động (2H, 4H và 4L), người lái dễ dàng chuyển từ 1 cầu sang 2 cầu chỉ bằng một nút xoay đơn giản. Đồng thời, Ranger có thể giữ đủ lực kéo cần thiết trên nhiều dạng địa hình, từ dốc đứng, cát lầy hay mặt đường trơn trượt khi bánh sau mất lực bám đều nhờ khóa vi sai cầu sau điện.

Nhìn chung, Ford Ranger là xe bán tải tiên phong đi theo phong cách “bán tải du lịch”, khi cân bằng được nhiều tiêu chí cùng lúc như thiết kế, trang bị và vận hành. Chính vì vậy, không quá khó hiểu khi mẫu xe nhà Ford sớm trở thành lựa chọn của số đông với doanh số cộng dồn kỉ lục, hơn 100.000 xe bán ra thị trường Việt Nam tính đến hết tháng 7.2021, tức sau tròn 20 năm góp mặt trên “dải đất hình chữ S”.

Đánh giá bài viết

Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *